“Liều thuốc” nào gỡ khó cho mục tiêu phủ kín nước sạch?
Còn nhiều bất cập
Nước được cung cấp từ các trạm cấp nhưng khi xả ra các dụng cụ chứa lại bị lắng cặn nhiều vẩn đục, chuyển mầu… đang là tình cảnh phổ biến mà người dân xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) phải đối mặt. Theo ghi nhận tại các thôn thuộc Tả Thanh Oai như: Tả Thanh Oai, Thượng Phúc, Nhân Hòa, Siêu Quần…, nhiều nhà dân phản ánh nước sinh hoạt không bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Thúy, trú tại Đội 4 cho biết, dù đã phải bỏ tiền ra mua nước song chất lượng quá thấp. “Nếu khoan giếng thì sợ nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ở sông Nhuệ. Dân chúng tôi đã kêu rất nhiều nhưng nước vẫn bẩn. Nhiều lúc nước chảy ra từ vòi mà đục ngàu, chuyển mầu tựa như một bát đất. Nhà tôi chỉ dùng nước này để rửa chân tay, nếu muốn dùng được vào ăn uống thì phải cho chảy qua hệ thống máy lọc”, một người dân bức xúc.
Qua tìm hiểu, những trạm cấp nước trên địa bàn Tả Thanh Oai đã được xây dựng từ hơn 20 năm trước. Các trang thiết bị liên quan phần lớn đã lạc hậu, cũ kỹ. Chung tình cảnh như ở Tả Thanh Oai, gần đây người dân sống tại xã Ngọc Hồi cũng tá hỏa khi nhận được thông tin hàm lượng độc tố asen trong nước sinh hoạt nơi đây vượt quá sáu lần quy chuẩn cho phép. Cụ thể, kết quả xét nghiệm lý hóa (kèm theo Báo cáo số 1089 BC-TTYT ngày 17-4-2018) của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội về chất lượng nước trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy: Trạm cấp nước Yên Kiện có chỉ số Amoni cao gấp gần năm lần mức cho phép (14,72mg/l so với <3mg/l) và asen vượt gần sáu lần mức cho phép (0,057mg/l so với 0,01mg/l). Nhiều người dân trong khu vực cho biết, nước nơi đây không bảo đảm. Để có nước ăn uống, hầu hết các hộ dân đều trang bị máy lọc để xử lý lại nguồn nước sinh hoạt từ trạm.
Còn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, nhiều khu vực dân cư cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm kim loại nặng, nhất là nhiễm asen vượt quy định nhiều lần. Những ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt trong khu vực. Đáng nói, khi hệ thống nước sạch “phủ” về đây, người dân trong khu vực vẫn tỏ ra e ngại vì chất lượng nước tại các trạm cấp trên địa bàn huyện chưa bảo đảm. Theo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phú Xuyên, chất lượng nước của ba trạm cấp nước tập trung trên địa bàn đều chưa đạt chuẩn. Chẳng hạn, với trạm cấp nước trên 1.000 m³/ngày đêm, kiểm tra ngoại kiểm vào tháng 5-2018 cho thấy, có ba chỉ tiêu không đạt là khử trùng clo dư, amoni, asen. Ngoài những yếu tố chất lượng chưa khắc phục, mạng lưới cấp nước còn nhiều dấu hiệu như ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh vật... Tương tự, tại hai trạm cấp nước khác trên địa bàn, dù có công suất dưới 1.000 m³/ngày đêm song các trạm này cũng có chỉ tiêu amoni vượt quy chuẩn.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Mê Linh. Theo đó, mạng lưới nước sạch nơi đây vẫn chưa “phủ rộng”, trên địa bàn mới chỉ có khoảng hơn 6.000 hộ được cấp nước sạch. Còn trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện vẫn còn nhiều địa bàn “trắng” nước sạch. Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện có hai thị trấn, 20 xã với tổng số dân khoảng hơn 270 nghìn người. Đến nay, 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1%. Chủ yếu nước được cấp là từ các trạm cấp nước cục bộ.
Cụ thể, có năm công trình tập trung từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135... trong đó hai công trình hoạt động ổn định, ba công trình đang triển khai. Tuy nhiên, dù địa phương đã có nhiều nỗ lực song bốn xã gồm Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu vẫn “trắng” nước sạch. Trong khi, một số xã mặc dù được tiếng là dùng nước sạch, nhưng tiến độ dự án chậm, hiện mới chỉ có một phần nhỏ hộ dân trong xã được dùng nước sạch như: Xã Ninh Hiệp 1.300/4.100 hộ (đạt khoảng 32%); xã Kim Lan cũng mới chỉ đạt 483 hộ/1.543 hộ (chiếm 31,3%); xã Đông Dư vẫn còn toàn bộ khu vực thôn 7 với hơn 200 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch…
Nguyên nhân do đâu?
Công tác “phủ” nước sạch về các địa phương hiện đang gặp khó. Chẳng hạn, về phát triển dự án mạng lưới cấp nước sạch, trong số 23 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay mới chỉ có 14 dự án hoàn thành, đủ đáp ứng cung cấp nước cho khoảng 52% người dân ở khu vực nông thôn. Nan giải hơn cả, tính đến tháng 6-2018, Hà Nội có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000 m³/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân (chiếm khoảng 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố); 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đầu tư dở dang không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động.
Lo lắng trước vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, qua công tác giám sát triển khai cho biết, nhiều dự án triển khai chậm, nguyên nhân là do các đơn vị liên quan gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư không đủ năng lực; việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp tiếp quản còn chậm. Thí dụ huyện Chương Mỹ có hơn 17.000 hộ được sử dụng nước sạch. Hiện tại, đường ống cấp nước đấu nối mới phủ kín 19/32 xã, thị trấn. Riêng 13 xã còn lại đang chờ dự án nước sạch tại thị trấn Xuân Mai. Tuy nhiên, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hạng mục nào.
Theo ông Quân, còn có yếu tố gây ảnh hưởng đến mục tiêu “phủ” nước sạch nữa là khi đầu tư xong các hạng mục cấp nước nhưng người dân tại một số địa phương lại dùng ít, nên chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ chính sách. Cụ thể, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam triển khai xong 100% đường ống, nhưng đến nay chỉ có 120 hộ dân dùng nước; các xã, thị trấn Đông Quang, Tản Lĩnh, Tây Đằng (huyện Ba Vì) được Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây đầu tư bao phủ mạng lưới, các hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước sạch rất ít, có hộ chỉ dùng 1 đến 2 khối nước/tháng.
Nhìn nhận về nguyên nhân liên quan, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, do ở vùng nông thôn, người dân vẫn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho việc tắm, giặt… Nước máy chỉ dùng để nấu ăn và uống nên số lượng dùng ít. Ông Dần cho rằng, muốn cải thiện tình trạng trên phải có chính sách khuyến khích, động viên các hộ dân dùng nước sạch. Bên cạnh đó, cũng cần phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, cùng chung tay thực hiện vì lợi ích của chính mình.
Còn theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nguyễn Thanh Bình, hiện ở một số địa phương, việc bán nước sạch và lắp đặt đồng hồ đo nước không chung một mức giá, dẫn đến người dân so bì, không hợp tác. Thí dụ như việc lắp đồng hồ đo nước, thực tế cũng có quy định cho phép doanh nghiệp thu tiền đồng hồ đo nước lắp cho hộ dân để huy động vốn triển khai dự án, sau đó, số tiền này sẽ được trừ dần vào tiền sử dụng nước hằng tháng. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại áp dụng chính sách này khác nhau. Có doanh nghiệp lắp miễn phí, có doanh nghiệp thu tiền, mức thu cũng khác nhau. Bên cạnh đó, việc chiết khấu vào tiền nước sử dụng hằng tháng của hộ gia đình được thể hiện ra sao thì vẫn chưa được thống nhất, cụ thể.
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đặt mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2020, khu vực nông thôn sẽ đạt 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, qua đợt giám sát mới đây của Ban Đô thị HĐND thành phố về vấn đề này cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án nước sạch nông thôn vẫn còn nhiều trở ngại, cần có các giải pháp tích cực mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, quan điểm của thành phố là tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, nhất là với những huyện khó khăn, song cũng sẽ kiên quyết thay thế các chủ đầu tư thiếu năng lực, không bảo đảm tiến độ thực hiện.